Nó không phải là Tập thở, Tập asana hay thiền định.Mà nó là “ trải thảm ”.Tôi nhớ những ngày đầu khi tôi bắt đầu đứng lớp chia sẻ… Tôi mất hàng giờ để quét dọn từng ngóc ngách trong căn phòng khách của 1 căn hộ chung cư khoảng 40m2. Tôi muốn đôi chân của học viên được đặt lên mặt sàn sạch sẽ, muốn những chiếc gương trong veo để họ soi mình thật sáng , muốn căn phòng tràn ngập tình yêu thương nên tôi chăm chút cắm hoa cho dù tay nghề cắm hoa của tôi dở tệ.
Bạn thử nghĩ xem, một không gian như vậy mà lại có một chiếc thảm xộc xệch thì quả thật uổng quá. Tôi nắn nót căn chỉnh chiếc thảm của mình để làm dấu trước cho mọi người trải theo.Trải thảm có phải đơn giản là bạn ném nó xuống sàn rồi ngồi lên nó ?Với tôi “ trái thảm ” là một công phu. Ở ATTA thì cái gì cũng có thể trở thành công phu. Thật hài hước. Nhưng nó có thật .
Đâu phải những thứ thật khó làm hay cao siêu mới được gọi là công phu đâu. Trải thảm cũng là một công phu ở ATTA.Bạn trải sao cho mình cảm thấy nhẹ và bình an. Nó là công phu không dễ mà có.Có những chiếc thảm được ném xuống sàn một cách vội vàng với âm thanh lớn. Và tôi hiểu chủ thảm có nhiều nỗi khổ trong lòng không tìm đâu để giải quyết. Chính họ còn chẳng nhận ra rằng trong họ chứa nhiều nỗi khó khăn đến vậy.
Những hạt giống của sự bạo động trong lòng dẫn tới những hành động thiếu ý thức ảnh hưởng tới những người xung quanh. Thì cái đó cần phải nhận diện và loại bỏ. Nên để tập được Yoga thì việc đầu tiên bạn cần học là “ Trải thảm ” chứ chẳng phải trồng chuối hay bọ cạp.Rồi cũng có những chiếc thảm được đặt xuống ngay ngắn và nằm trên thảm là một con người đang thư giãn trước khi buổi tập bắt đầu.
Họ biết vì sao mình có mặt trong căn phòng ấy. Và có mặt để làm gì ? Họ không tới để vội vàng tập luyện rồi vội vàng ra về như một sự gượng ép thân thể. Chiếc thảm và chủ thảm xuất hiện một cách xuyên suốt dù cho buổi tập có khó khăn hay nhàm chán tới đâu. Cái mà chủ thảm nhận được sẽ là sự tu tập rèn luyện về tính kiên nhẫn và buông bỏ cái tôi bên trong họ. Bởi vì với họ một khi đã đặt chiếc thảm xuống là họ sẽ không nhấc nó lên cho tới khi đèn điện được bật sáng báo hiệu 1 giờ tập kết thúc.Chiếc thảm trong Yoga có một ý nghĩa hết sức to lớn – đó là giới và luật.Trong Yoga, ta có giới và luật. Giới luật này được dùng như chiếc kim chỉ nam nếu trong quá trình tập luyện mà ta thiếu ý thức ta sẽ biết quay về đâu và bắt đầu lại như thế nào.
Vậy giới luật nào qua chiếc thảm tập nhỏ bé dưới bàn chân ta ?* Bạn đừng vượt ra khỏi thảm. Hãy giữ mình trọn vẹn trong chiếc thảm. Việc ấy giúp bạn không xâm phạm sang vị trí của người bạn bên cạnh. Cả bạn và người bạn bên cạnh đều hiểu giới hạn về vị trí của nhau. Nên mọi thứ sẽ được giữ trong sự ôn hòa. Giống như trong đời sống, bạn biết đâu là căn nhà của bạn, đâu là chiếc xe của bạn, đâu là thân thể của bạn và đâu là tâm trí của bạn. Bạn sẽ chẳng xâm phạm vào nhà , xe, thân thể hay tâm trí của người khác khi không có sự cho phép. Bạn có ranh giới của mình để giữ mình đi đúng đạo lý và không làm tổn thương ai. Công phu này cần tu tập vì nó lợi lạc cho cả bạn và người bên cạnh.
* Hãy giữ cho chiếc thảm sạch sẽ. Bạn đứng , nằm, ngồi , quỳ , úp mặt trên chiếc thảm . Vậy lý do gì bạn để cho chiếc thảm ấy trở nên dơ bẩn? Nó là tài sản của bạn , là vốn liếng cho sức khỏe của bạn , là người bạn , người anh em trong mỗi giờ tập luyện giúp bạn không bị trơn trượt ngã. Trân quý chiếc thảm là bạn đang học cách tự trân quý chính cơ thể của mình. Hãy học cách trân quý cả chiếc thảm của người khác vì nó cũng là tài sản, vốn liếng sức khỏe của họ. Việc bạn dùng chung thảm không tiết kiệm thêm cho bạn khoản nào mà còn đem lại hậu quả khôn lường trong vệ sinh cá nhân và nhiễm khuẩn.Đôi lời chia sẻ về công phu “ trải thảm ”, tôi xin quý hội viên hãy tu tập tinh tấn để có được sự bình an khi trải thảm.
*Lưu Nga*